NHỮNG NÉT NỔI BẬT TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
HUYỆN DẦU TIẾNG
Tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) của huyện Dầu Tiếng trong 8 tháng đầu năm 2022 tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng một số HTX và QTDND tiếp tục phát triển ổn định, cụ thể trong một số lĩnh vực ngành nghề như: trồng cây ăn quả (HTX NN - DV Minh Hòa Phát); nuôi gà hậu bị (HTX Tâm Phát); tín dụng (QTDND Thanh Tuyền) ...góp phần củng cố phát triển KTTT của huyện, nâng cao hiệu quả họat động, đảm bảo việc làm và nguồn thu nhập cho các thành viên HTX, cụ thể như sau:
1.Tổ hợp tác:
Tổng số tổ hợp tác hiện có trên địa bàn huyện là 71 tổ với 647 thành viên. Trong 8 tháng đầu năm 2022 có 4 Tổ hợp tác được thành lập mới, các Tổ hợp tác hoạt động đảm bảo theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác.
2. Hợp tác xã:
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển KTTT (BCĐ ĐM & PT KTTT) huyện đã tuyên truyền, vận động thành lập mới 02 HTX: HTX DV-NN Bến Súc với 7 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ 050 triệu đồng và HTX Điểm hẹn –xã Định Thành với 11 thành viên vốn điều lệ 19 tỷ 900 triệu đồng. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 22 HTX với 230 thành viên, vốn điều lệ 78 tỷ 932 triệu đồng. Tổng doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 21 tỷ 648 triệu đồng.
Các HTX trên địa bàn huyện đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đối với các HTX mới thành lập (HTX DV-NN Bến Súc; HTX Điểm Hẹn) đã bước đầu xác định được định hướng sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả. Nhiều HTX đã mạnh dạng đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thu nhập của Hội đồng quản trị và các thành viên HTX từng bước được nâng cao.
Các HTX đã phát huy vai trò tự chủ độc lập trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường liên kết HTX với các loại hình doanh nghiệp khác để cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
BCĐ ĐM & PT KTTT huyện Dầu Tiếng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT huyện Dầu Tiếng vẫn còn một số hạn chế như: Hoạt động phát triển KTTT 8 tháng đầu năm khó khăn rất nhiều do chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tác động lên mọi mặt đời sống, hoạt động của các HTX chịu thiệt hại rất lớn, giá sản phẩm làm ra giảm mạnh dẫn đến doanh thu giảm, nhiều HTX phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động. Việc tổ chức sản xuất trong nông nghiệp rủi ro nhiều do thiên tai, dịch bệnh, thiếu vốn, quỹ đất hạn hẹp, thời gian đầu tư cho một chu kỳ sản xuất khá dài,… và đầu ra của sản phẩm không ổn định. Nguồn vốn góp từ các thành viên HTX còn hạn chế từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch, hoạt động kinh doanh của các HTX. Một số HTX hoạt động có quy mô nhỏ, yếu và thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn vay khác từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp cũng như chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

BCĐ ĐM & PT KTTT tỉnh kiểm tra, giám sát tình hình phát triển KTTT huyện Dầu Tiếng
3. Phương hướng phát triển KTTT huyện trong 4 tháng cuối năm 2022:
Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về KTTT mà trọng tâm là triển khai thực hiện tuyên truyền về Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch, Chương trình làm việc của BCĐ ĐM & PT KTTT huyện Dầu Tiếng năm 2022. Xây dựng kế hoạch phát triển KTTT huyện năm 2023 phù hợp với định hướng chung phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm các mô hình HTX phát triển tốt trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Chọn 1 đến 2 HTX để hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến gắn với xây dựng chuỗi giá trị, từ đó nhân rộng toàn địa bàn huyện.
NGUYỄN TIẾN DŨNG