SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, phát triển các sản phẩm cây có múi chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Dù phương thức sản xuất theo tập quán là phổ biến, nhưng trong đó đã có những biện pháp sản xuất có tính hữu cơ. Tuy nhiên, việc canh tác hữu cơ chưa được hệ thống hoàn chỉnh theo quy trình, quy chuẩn, các bước sản xuất hữu cơ mới chỉ được thực hiện từng phần mang tính chất thói quen của địa phương.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở ngành, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) đã có các mô hình nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận và sản phẩm được dán nhãn hữu cơ, hoặc có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX Nhân Đức, xã Hiếu Liêm và HTX Năm Hạng, xã Lạc An huện Bắc Tân Uyên là trong những HTX xây dựng vùng nguyên liệu được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của tỉnh. Sản phẩm quả cam sành của HTX Năm Hạng được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Bắc Tân Uyên
Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây có múi, phù hợp với mọi điều kiện địa hình, thời tiết, nhanh cho thu hoạch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 580 ha sản xuất trồng trọt áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, các loại rau. Toàn tỉnh có 413 cá nhân, tổ chức áp dụng VietGap (chăn nuôi 165 hộ, trồng trọt 248 hộ).
Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2364/KH-UBND ngày 22/5/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, năm 2023. Theo đó nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tham gia thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, sản phẩm hàng hóa có giá trị cao gắn với mục tiêu bảo vệ và phát triển đa dạng môi trường sinh thái. Phổ biến tuyên truyền sâu rộng cho các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Năm 2023, triển khai thực hiện 07 mô hình điểm áp dụng quy trình kỹ thuật giai đoạn chuyển đổi sản xuất không hữu cơ sang sản xuất hữu cơ nhằm thay đổi dần thói quen sử dụng nhiều sản phẩm gốc hóa học của nông dân: (1) Mô hình rau ăn lá 0,5 ha/mô hình. (2) Mô hình rau ăn quả 0,5 ha. (3) Mô hình bưởi 05 ha. (4) Mô hình cam, quít 05 ha. (5) Mô hình chuối 05 ha. (6) Mô hình chăn nuôi gà thịt 4.000 con. (7) Mô hình chăn nuôi heo thịt 60 con/mô hình.
Việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ”. Từ đó phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của người dân; thu hút được các thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ./.
Văn Phúc